Vườn quốc gia Xuân Thủy, thuộc xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, là một khu rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.
Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở phía Nam cửa Sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 150 km về hướng Đông Nam, có tổng diện tích tự nhiên là 7.100 ha. Phù sa màu mỡ của Sông Hồng và biển đã tạo dựng nên khu đất ngập nước với nhiều loài động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Từ tháng 01/1989 Xuân Thủy đã là vùng đất ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR (Công ước bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của những loài chim nước – Ramsar, Iran, 1971). Đến tháng 01/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định sô 01/2003/QĐ-TTg chính thức nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tháng 12/2004, UNESCO tiếp tục công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng.
Mục tiêu nhiệm vụ chính của Vườn quốc gia Xuân Thủy là:
- Bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa Sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thủy sinh và các loài chim nước, chim di trú.
- Phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái.
- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương.
Xem thêm thông tin tại wikipedia
Một số hình ảnh về VQG Xuân Thủy (05/2017)
Rừng ngập mặn:
Chòi canh:
Nuôi ong du mục:
Một số loài cây, hoa tại Xuân Thủy:
Các loài chim:
Xem hình ảnh trong mục: Places >> Xuân Thủy
Khu hệ chim đã thống kê được tại Xuân Thủy có 220 loài thuộc 41 họ, 13 bộ. Khu hệ chim ở đây tiêu biểu cho các loài thuộc bộ Hạc, bộ Ngống, bộ Rẽ và bộ Sẻ. Hàng năm từ tháng 10, 11 đến tháng 3, 4 năm sau, hàng chục ngàn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc đã chọn Vườn quốc gia Xuân Thủy làm nơi dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng cho hành trình di trú dài cả ngàn cây số của mình.
Nơi đây thường xuyên ghi nhận các loài chim nước quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế. Điển hình như: Rẽ mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus), Choắt lớn mỏ vàng (Tringa guttifer), Cò thìa mặt đen (Platalea minor), Bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis), Choắt chân màng lớn (Limmodromus semipalmatus), Có lạo Ấn Độ (Mycteria leucocephala), Cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes), Choắt mỏ cong lớn (Numenius arquata)…
Vườn quốc gia Xuân Thuỷ là nơi dừng chân và trú đông quan trọng của các loài chim nước di cư. Qua các đợt khảo sát năm 1988 và 1994 đã quan sát được trên 20.000 cá thể chim nước trong khu vực. Trong mùa xuân năm 1996, có khoảng trên 33.000 con chim biển qua lại Khu vực Vườn quốc gia. Nơi đây, thường xuyên ghi nhận 9 loài chim bị đe doạ và sắp bị đe doạ ở mức toàn cầu, đó là: Cò thìa, Cò trắng Trung Quốc, Choắt lớn mỏ vàng, Mòng bể mỏ ngắn, Bồ nông chân xám, Rẽ mỏ thìa, Giang sen, Choắt chân màng lớn. Ghi nhận đáng chú ý nhất ở Xuân Thuỷ là tồn tại một quần thể loài Cò thìa lớn nhất tại Việt Nam, trong một vài năm gần đây, số lượng lớn nhất được chính thức ghi nhận tại khu vực là 74 cá thể. Ngoài ra, Xuân Thuỷ là nơi tập hợp, trú chân quan trọng của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông như: Choắt mỏ thẳng đuôi đen, Choắt chân đỏ và Choắt mỏ cong lớn. Do có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim, Xuân Thuỷ đã được Tổ chức bảo tồn chim quốc tế công nhận là một vùng chim quan trọng (IBA) của Việt Nam.